Gạt bỏ rào cản để giữ lửa đam mê của các startup Việt
Việt Nam trở thành nơi sản sinh ra nhiều nhà sáng lập công nghệ mới chứ không chỉ là nơi ươm mầm rồi đến khi tài năng đạt độ chín thì lại bay đi nơi khác.
Tiếp lửa đam mê
Hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang trở thành xu thế tại Việt Nam, nơi có nguồn lao động trí thức trẻ nhiệt huyết và đam mê. Xu hướng này càng trở nên rõ ràng hơn khi nhận được cú hích từ thành công của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird đầy sáng tạo từng khiến cộng đồng mạng và truyền thông quốc tế xôn xao.
Sau Flappy Bird, khởi nghiệp công nghệ tiếp tục được tiếp sức bằng chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2015 của ông Sundar Pichai – CEO của Google. Trong chuyến thăm này, CEO Sundar Pichai đã khuấy động thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt khi đưa ra những nhận định, đánh giá trên Twitter cá nhân rằng: Đó là nơi tuyệt vời có thể sản sinh ra thế hệ lập trình viên tài năng tiếp theo. Trong thời gian thăm Việt Nam, CEO Sundar Pichai cũng đã có cuộc trao đổi với Hà Đông tại Hà Nội và cho biết sẵn sàng hợp tác với startup công nghệ Việt có tiềm năng.
Trước sức hấp dẫn của thị trường startup công nghệ Việt, từ đầu năm 2016, không ít nhà đầu tư đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Cụ thể: Trong tháng 3/2016, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ có tên 500 Startups với nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại thung lũng silicon công bố sẽ lập quỹ trị giá 10 triệu USD cho khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp Việt Nam. Cũng trong tháng 3/2016, Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã quyết định đầu tư 28 triệu USD cho Công ty cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo cho Việt Nam.
Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn 500 Startups đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Bên cạnh đó, các hãng công nghệ danh tiếng thế giới như Samsung, LG, Panasonic và Toshiba (Nhật Bản) cũng tích cực đẩy mạnh các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều thông tin còn cho rằng: Apple đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ USD ở Hà Nội nhằm biến Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn ở châu Á.
Theo khảo sát của F.P.T, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.000 dự án công nghệ khởi nghiệp. Số lượng công ty khởi nghiệp tương đối đồng đều qua mỗi năm, chỉ khác về số lượng quỹ đầu tư tham gia mà thôi.
Thị trường giàu tiềm năng
Vì sao thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt lại có sức hút với các hãng công nghệ lớn, quỹ đầu tư đến vậy?
Theo đánh giá của Neil Fraser – kỹ sư phần mềm của Google, Việt Nam có lợi thế với lượng sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính rất đông đảo và kỹ năng cao. Quả thật, từ lâu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn nhân lực trẻ có chất lượng trong các lĩnh vực toán học và công nghệ thông tin. Hàng chục huy chương vàng toán quốc tế (IMO), tự nghiên cứu và phát triển phần mềm hệ điều hành từ những năm 1990 (Đại học Bách khoa) cũng như vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng toàn cầu về toán học và khoa học theo đánh giá của Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Thị trường hơn 90 triệu dân đang ở trong thời kỳ dân số vàng là kênh đầu tư tiềm năng cho công ty nước ngoài, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo Chỉ số Dễ kinh doanh của WB, Việt Nam xếp hạng 90, cao hơn Indonesia và Malyasia. Với số dân hiện tại, Việt Nam xếp thứ 34 trong các thị trường lớn về quy mô. Việc Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ mang đến thị trường Việt Nam dòng đầu tư lớn từ các công ty trên thế giới. Riêng trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam được đánh giá là thị trường mới nổi giàu tiềm năng. Thuê bao internet tăng từ hơn 17% dân số (năm 2007) lên 45% ở thời điểm hiện tại. Đến cuối năm 2015, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 44 triệu thuê bao, con số này sẽ tăng lên 59 triệu thuê bao, thậm chí là còn hơn thế vào năm 2019. Số người dùng sử dụng smartphone không ngừng tăng qua các năm.
Không chỉ có vậy, theo kết quả cuộc khảo sát với chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp”, Việt Nam đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Cuộc khảo sát do Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) của Đức, Công ty Nghiên cứu Thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) và Tập đoàn bán hàng trực tiếp Amway thực hiện trong năm 2015 chỉ ra rằng: 71% số người được hỏi ở Việt Nam có thái độ tích cực với khởi nghiệp kinh doanh, 89% mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng, 75% cho rằng bắt đầu kinh doanh là khả thi và 67% không dễ dàng bị môi trường xã hội tác động vào quyết định khởi nghiệp.
Vẫn còn nhiều rào cản
Dù được đánh giá cao, nhưng để thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt trở thành xu thế thay vì chỉ là trào lưu nhất thời lại không hề đơn giản. Trong đó, việc gỡ bở những rào cản, nhất là hành lang pháp lý chưa thông thoáng đang trở thành nhiệm vụ cấp bách trong lúc này. Bởi đó chính là những nguyên nhân khiến thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt dần mất đi cơ hội nhận được nguồn vốn đầu tư lớn.
Hiện tại, trong 15 startup đang dẫn đầu thị trường Đông Nam Á đã huy động được nguồn vốn lên đến 2,3 tỉ USD không có startup nào đến từ Việt Nam. Nguyên nhân là do sản phẩm từ startup Việt Nam thua về giá trị cũng như tầm ảnh hưởng trong khu vực. Những startup chất lượng để thu hút các quỹ đầu tư còn thiếu. Sự yếu thế của các startup công nghệ Việt bắt nguồn tư hành lang pháp lý chưa thông thoáng khiến thị trường startup Việt Nam khó phát triển lớn mạnh.
Trong đó, các startup Việt Nam gần như không nhận được ưu đãi đáng kể, ngoài được miễn một phần thuế trong những năm đầu dành cho những dự án trong lĩnh vực phần mềm. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc và Singapore, chính phủ đã thực thi các chính sách trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như triển khai các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Hầu hết startup đều gặp khó khăn khi thành lập doanh nghiệp, kê khai thuế và công tác truyền thông tiếp thị sản phẩm, ngay cả khi đã có thể thương mại hóa. Thậm chí, để nhận được vốn đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải mất nhiều tháng đến cả năm do thủ tục còn rườm rà. Trong khi đó, khoảng thời gian này là quá dài với công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư. Bởi công nghệ thay đổi nhanh, nên khoảng thời gian đó đủ quyết định sự thành bại của dự án. Ngay cả khi muốn tăng vốn, các nhà đầu tư phải mất thêm vài tháng thay vì chỉ một tuần ở Singapore, Thái Lan, Indonesia.
Chính thủ tục hành trình rườm rà khiến startup Việt bị hụt hơi do phải dồn quá nhiều công sức cho việc chạy giấy tờ, nên không còn nhiều thời gian phát triển sản phẩm, khiến cơ hội chiếm lĩnh thị trường qua đi. Nhà đầu tư cũng không còn muốn bỏ vốn cho dự án nữa. Vì thế không khó hiểu khi dòng tiền khởi nghiệp chảy vào thị trường Đông Nam Á đang tăng, nhưng Việt Nam lại chưa thể đón nhận. Điều đó đang dẫn đến thực trạng đáng lo ngại là nhiều nhà sáng lập đã dời Việt Nam sang Singpore để tìm kiếm cơ hội phát triển cho startup của họ. Khi đó, dù những sản phẩm mà startup làm ra là kết tinh của trí tuệ Việt, thì cũng không thể coi là của người Việt. Nếu dự án có nhận được nguồn vốn đầu tư lớn, thì đương nhiên thuộc về nước bạn.
Có thể nói, với lợi thế hiện có, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt đang tạo ra làn sóng đầu tư và hợp tác nước ngoài. Tuy nhiên, để làn sóng này trở thành xu thế, mở ra hướng đi mới cho thị trường công nghệ Việt thì cần loại bỏ rào cản để tiếp tục thắp lửa cho những đam mê, biến Việt Nam trở thành nơi sản sinh ra nhiều nhà sáng lập công nghệ mới chứ không chỉ là nơi ươm mầm rồi đến khi tài năng đạt độ chín thì lại bay đi nơi khác.
Leave a Reply